Quỳnh Liên: Hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn
- Thứ hai - 18/12/2023 22:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với mong muốn triển khai thực hiện hiệu quả mô hình và giúp hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất rau an toàn. Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn về khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất rau theo hướng VietGap. Tổ chức thành lập Tổ hội sản xuất rau an toàn với 8 thành viên tham gia đồng thời là thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Liên. Sau khi thành lập, Hội đã tổ chức cho các thành viên đi tham quan học hỏi mô hình ở sản xuất rau sạch ở huyện Quỳnh Lưu, tham gia tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap. Hiện nay các thành viên trong tổ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu vừa cho năng suất, thu nhập cao vừa cải tạo đất, bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào các sản xuất các loại rau màu chủ lực như su su, cải ngọt, cà rốt, dưa hấu, dưa lê, mướp đắng, mướp Lào… mỗi năm thu nhập bình quân 255 triệu đồng/ha.
Đơn vị tài trợ tặng 07 máy sục khí mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp
Nhằm nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn và trở thành một phong trào thi đua rộng rãi trong toàn xã, Hội đã phối hợp với các các ban ngành, Trường Trung cấp nghề, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các Hợp tác nông nghiệp tổ chức trao đổi kinh nghiệm, mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất rau an toàn cho hội viên. Thường xuyên tuyên truyền vận động thông qua các buổi sinh hoạt hội và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” đối với từng mô hình cụ thể. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hội viên, nông dân tham gia sản xuất an toàn được thực hiện nghiêm túc thông qua các đợt kiểm tra công tác Hội. Riêng năm 2023, Hội Nông dân xã đã tiến hành kiểm tra 5 cuộc, giám sát nắm bắt tình hình thực hiện các phong trào ở chi hội, trong đó có nội dung sản xuất an toàn. Từ đó, ý thức của hội viên, nông dân trong sản xuất an toàn ngày càng nâng cao.
Để hỗ trợ cho sản xuất an toàn, hạn chế lượng phế phẩm nông dân thải ra môi trường, các cấp Hội Nông dân đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Qua phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học & công nghệ Tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 2 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, phương pháp thực hiện mô hình cho 100 hội viên tham gia. Thông qua tập huấn, đã nâng cao kiến thức, kỹ năng về quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hiểu biết về vai trò, tác dụng của phân bón hữu cơ vi sinh đối với sản xuất nông nghiệp.
Cán bộ trung tâm hướng các hội viên cách pha chế chế phẩm ủ phân hữu cơ vi sinh
Trong quá trình tham gia mô hình các hội viên đã được tham quan hướng dẫn trực tiếp về quy trình xây dựng hố ủ, cách pha chế ủ phân hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình hội viên Hồ Văn Đông (thôn Thành Công). Mô hình có sự tham gia của 7 gia đình hội viên, các hội viên đều có diện tích sản xuất rau màu từ 2.500m2 đến 8000m2, do vậy tận dụng lượng phụ phẩm từ sản xuất rau màu, phế phẩm từ chăn nuôi gà, lợn, hươu, bò để tiến hành ủ phân bón hữu cơ vi sinh.
Hướng dẫn xây dựng, sử dụng mô hình
Từ mô hình này cho thấy bà con nông dân vừa tận dụng được lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường hàng ngày, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Tác dụng của phân bón hữu cơ còn làm tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh hại cho cây trồng, tăng độ tơi xốp, màu mỡ cho đất giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên tham gia mô hình và nhân rộng trong toàn xã.
Các hội viên phấn khởi tham gia mô hình, hướng tới sản xuất rau an toàn
Sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững là xu hướng tất yếu hiện nay, tuy nhiên việc xây dựng lộ trình cần đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã, kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Thực tiễn này, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể hội viên Nông dân trên địa bàn xã, từ đó, đưa ngành nông nghiệp của Quỳnh Liên bước vào giai đoạn phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.