Hiện nay trên địa bàn xã Quỳnh Liên có hơn 330 ha chuyên canh trồng rau màu các loại trong đó rau màu như: su su, cà rốt hơn, hành hoa, rau cải ngọt, ... Các loại rau màu được bà con nông dân sản xuất gối vụ quanh năm, mỗi mùa có một số rau màu chủ lực, trong đó vụ Đông – Xuân sản xuất chủ yếu là su su, cà dừa, mướp đắng, cà rốt,.., Đối với vụ Xuân - Hè sản xuất các loại rau như: cải ngọt, đậu, dưa leo, mướp hương, mướp lào đặc biệt là dưa lê, dưa hấu; mùa thu là hành hoa, cải ngọt. .. Mỗi năm bà con nông dân xã Quỳnh Liên cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rau củ quả các loại đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ cho người dân và các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu đạt từ 75 - 80 tỷ đồng/năm.
Ảnh: Thương lái thu mua rau màu tại ruộng cho bà con nông dân
Để giúp cho cán bộ hội viên và bà con nông dân trồng rau màu cho năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao, Hội nông dân xã chỉ đạo các chi hội tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, nhất là triển khai rộng rãi quy trình sản xuất rau sạch theo mô hình VietGap. Trong thời gian qua, Hội Nông dân đã phối hợp với Hội phụ nữ, trạm khuyến nông, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Quỳnh Liên xây dựng thương hiệu, dán nhãn hiệu các loại rau sạch như su su, rau cải bó xôi, mướp đắng và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân, đồng thời bảo vệ môi trường.
Năm 2018 được sự giúp đỡ của sở Nông nghiệp tỉnh Nghệ An và UBND thị xã Hoàng Mai trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất SuSu theo chương trình VietGap cho cán bộ, hội viên nông dân là thành viên của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Liên. Năm 2019 sản phẩm quả su su Quỳnh Liên đã được chi cục quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản trực thuộc sở Nông nghiệp trao giấy chứng nhận mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay sản phẩm SuSu do bà con nông dân sản xuất đã được bán trong hệ thống siêu thị BigC toàn quốc với mức tiêu thụ 20 tấn/ngày, ngoài ra còn ký hợp đồng cung ứng cho nhiều nhà hàng, khách sản, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hàng năm bà con trồng từ 80 - 100 ha su su, sản lượng đạt từ 15.000 - 18.000 tấn quả, đây chính là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình hội viên nông dân từ 400-500 triệu/ha.
Trước đây, người dân ở đây đều sản xuất theo phương thức truyền thống cũ, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên chất lượng rau sản xuất ra thị trường chưa thật sự bảo đảm. Do lượng tồn các chất độc hại như Nitrate, thuốc trừ sâu và các vi sinh vật còn khá cao, nguồn nước ngầm bị ngấm thuốc trừ sâu, dẫn đến ô nhiễm trầm trọng, rau sản xuất ra khó tiêu thụ, nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai trên địa bàn xã hiện đã mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Vì vậy, mô hình tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng an toàn ở xã Quỳnh Liên là xu hướng phát triển tất yếu, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng trong việc kết nối cung cầu giữa nhà nông và các doanh nghiệp để đưa các sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng, đồng thời cải thiện, góp phần khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi tự nhiên.
Ảnh: Nông dân chăm sóc rau màu
Có thể nói rằng với phương thức sản xuất an toàn, nói không với việc dùng hóa chất độc hại, không dùng chất kích thích, tăng trưởng với sự chung tay góp sức của cán bộ, hội viên nông dân sẽ đưa tạo ra thương hiệu sản phẩm rau quả sạch Quỳnh Liên là điểm đến của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh./.